Sức mạnh của oxy y tế

Sức mạnh của oxy y tế

Đại dịch COVID-19 cùng với những tác hại gia tăng của ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới đã đẩy nhanh nhu cầu sử dụng oxy y tế và khiến việc cung cấp đủ oxy y tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hãy cùng tìm hiểu về tác dụng của oxy y tế trong việc cứu chữa bệnh nhân cùng Novamed Vietnam nhé.

Tầm quan trọng của oxy y tế

Oxy y tế được phân loại vào phân khúc thuốc thiết yếu và được sử dụng để chăm sóc bệnh nhân ở tất cả các mức độ, từ phẫu thuật đến điều trị chấn thương, suy tim, hen suyễn, viêm phổi và chăm sóc bà mẹ và trẻ em.

Hiện nay, chỉ tính riêng bệnh viêm phổi đã chiếm 800,000 ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Người ta ước tính rằng 20 đến 40% những trường hợp tử vong này có thể được ngăn ngừa bằng các liệu pháp oxy.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 và các bệnh cúm mùa cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu oxy y tế trên toàn cầu và khiến việc cung cấp oxy trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chỉ tính riêng ở các nước có mức thu nhập thấp đến trung bình, nhu cầu về oxy y tế đã tăng lên tới 1,1 triệu bình/năm.

Phát triển và phân phối oxy y tế

Vào thời kỳ đầu, WHO và chính phủ các nước đã mở rộng quy mô cung cấp oxy y tế ở các khu vực có mức lây nhiễm cao bằng cách mua sắm và phân phối máy tạo oxy y tế và máy đo SpO2.

Tính đến tháng 2 năm 2021, các bên tham gia đã phân phối được hơn 30,000 máy tạo oxy y tế, 40,000 máy đo SpO2 và máy theo dõi bệnh nhân tới 121 quốc gia, trong đó có 37 quốc gia được phân loại “nguy cơ cực cao”.

Ngoài ra, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế cũng đã và đang hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, trợ giúp trong việc tìm hiểu và mua sắm các cung nguồn oxy y tế trên quy mô lớn. Điều này bao gồm việc xây dựng các nhà máy, các trạm tạo oxy y tế công suất cao để đáp ứng nhu cầu oxy trong các cơ sở y tế lớn.

Nhìn chung, các rào cản đối với hệ thống tạo oxy y tế bao gồm chi phí, nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật và nguồn cung cấp điện ổn định.

Kết luận

Trước đây, một số quốc gia phải phụ thuộc hoàn toàn vào bình oxy y tế từ các nhà cung cấp tư nhân ở nước ngoài làm hạn chế tính liên tục của nguồn cung. Vì vậy, các quốc gia cần thiết kế các kế hoạch cung cấp oxy phù hợp với nhu cầu địa phương và tạo ra nguồn cung cấp oxy tự túc và bền vững hơn nữa.

Song song đó, cần xem xét ​​Kế hoạch Hành động Toàn cầu (GAP) đổi mới của WHO/SDG3 để cân nhắc giải pháp tạo ra nguồn cung điện ổn định hơn từ năng lượng mặt trời. Cụ thể, máy tạo oxy y tế chạy bằng năng lượng mặt trời đã được lắp đặt tại một bệnh viện nhi khu vực ở bang Galmudug, Somalia.

Ngoài việc phục vụ bệnh nhân COVID-19, chính phủ các nước và các cơ quan hữu quan cần tăng cường và nỗ lực hơn nữa trong việc cung cấp hỗ trợ oxy y tế vào điều trị các bệnh khác, từ đó dần dần tăng cường tổng thể hệ thống y tế chung.