Bộ Y tế tiếp nhận container tạo Oxy khí nén di động phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19

Bộ Y tế tiếp nhận container tạo Oxy khí nén di động phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19

Ngày 10-11-2021, Bộ Y tế tiếp nhận một container tạo oxy khí nén di động từ nhà tài trợ trao tặng phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

PGS.TS Vũ Đình Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật hóa học thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đơn vị phụ trách kỹ thuật của hệ thống container tạo ôxy và khí nén di động cho biết, container này làm giàu ôxy trực tiếp từ không khí, cung cấp đồng thời cả ôxy và khí nén y tế. Hệ thống đáp ứng cho khoảng 20 giường hồi sức tích cực (bệnh nhân nặng) để chạy máy thở, máy oxy dòng cao (HFNC), phục vụ bệnh nhân cần hỗ trợ oxy.

Cũng theo PGS.TS Vũ Đình Tiến, đây là hệ thống đầu tiên do người Việt nghiên cứu, thiết kế và chế tạo tại Việt Nam. Hiện, có 2 container đang hoạt động ở Bệnh viện quận 8 (thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Chợ Mới ở tỉnh An Giang (được chuyển từ Trung tâm Hồi sức tích cực ở tỉnh Đồng Nai về).

Container tạo oxy khí nén. Ảnh: MOH

Tiếp nhận hệ thống tạo ôxy này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: “Để thực hiện được chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chúng ta cần tăng cường năng lực hệ thống cơ sở điều trị, chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống số ca bệnh tăng cao. Kinh nghiệm trong đợt dịch thứ 4 tại nước ta cho thấy, ôxy là một trong những loại thuốc thiết yếu nhất để cứu chữa bệnh nhân Covid-19. Bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp được chỉ định thở ôxy sớm sẽ hạn chế diễn biến tăng mức độ nặng, nguy kịch”.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng bày tỏ rằng Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học nhận định dịch chưa thể kiểm soát được trong năm tới và có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn, làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn (thứ 3 từ trái) tiếp nhận thiết bị hỗ trợ, sáng 10/11.

Nhiều quốc gia, cả Việt Nam, thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh, từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh. “Để thực hiện được chiến lược này, cần tăng cường năng lực hệ thống cơ sở điều trị, chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống số ca nhiễm tăng cao”, ông Thuấn nói.

Kinh nghiệm trong đợt dịch vừa qua cho thấy oxy y tế là một trong những loại “thuốc” thiết yếu nhất để cứu chữa bệnh nhân Covid-19. Bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp được chỉ định thở oxy sớm sẽ hạn chế diễn biến tăng nặng, nguy kịch. Một số nước như Indonesia, Ấn Độ…, do gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm, cơ sở y tế thiếu oxy, dẫn đến tăng tỷ lệ người bệnh tử vong.

Thứ trưởng cho biết hệ thống container tạo oxy và khí nén di động do Công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin tài trợ, Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Trung ương Huế quản lý.

Công sứ Nhật Bản Okabe Daisuke cho biết từ tháng 6, chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam tổng cộng hơn 4 triệu liều vaccine Covid-19. Thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), chính phủ cũng cung cấp thiết bị và dụng cụ y tế như mặt nạ phòng độc cho Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế. Với thiết bị oxy di động lần này, Công sứ hy vọng sẽ giúp Việt Nam vượt qua đợt lây nhiễm mới.

Hệ thống tạo ôxy khí nén y tế di động Nov@oxy- Mobile System hỗ trợ điều trị Covid-19.

Được biết, công suất của một container này là 18 mét khối ôxy/giờ, tức một ngày sản xuất khoảng 72 bình ôxy cỡ lớn. Với công suất này, container có thể phục vụ ôxy cho 40-60 bệnh nhân bắt đầu chuyển nặng.