Vấn đề chất lượng không khí trong phòng, tại nhà và nơi làm việc

Vấn đề chất lượng không khí trong phòng, tại nhà và nơi làm việc

Con người ngày nay dành quá nhiều thời gian ở trong phòng khiến nguy cơ mắc các triệu chứng về hô hấp hoặc các bệnh lý khác tăng cao. Mọi người thường hay nghĩ ô nhiễm không khí ngoài trời, tuy nhiên, chất lượng không khí trong phòng còn quan trọng hơn thế. Bài viết hôm nay sẽ đề cập đến vấn đề chất lượng không khí trong phòng và cách làm sạch không khí trong các công trình như nhà ở, trường học và nơi làm việc.

Điều gì gây ra ô nhiễm không khí trong phòng?

Các vấn đề về không khí trong phòng có thể xảy ra do nhiều yếu tố liên quan đến bản chất của công trình hoặc tác động do con người. Thông thường, các vấn đề này phát sinh do sự kết hợp của nhiều yếu tố, chẳng hạn như nguồn lây nhiễm từ bên trong hoặc bên ngoài công trình cộng thêm thông gió không đầy đủ. Bên cạnh đó, một số vấn đề có thể xảy ra do phơi nhiễm các chất gây dị ứng, thậm chí có thể kích thích hoặc làm tổn thương đường hô hấp hoặc phổi.

Thông thường, đối với các vấn đề trên, con người sẽ hướng tới phương án thông khí, với mục tiêu thay thế không khí trong phòng bằng không khí sạch ngoài trời. Tuy nhiên thông khí cũng có thể trở thành tác nhân gây ra các vấn đề trên nếu hệ thống thông khí không được xây dựng chỉn chu, hoặc nguồn gốc của vấn đề về không khí trong phòng lớn hơn nhiều so với khả năng làm sạch của việc thông khí, hoặc cũng có thể do không khí ô nhiễm bên ngoài được đưa vào trong phòng.

Về trong phòng, các tác nhân gây ra phơi nhiễm trong phòng có thể là: Các chất làm sạch và khử trùng, nấm mốc và ẩm, thú cưng, hút thuốc trong nhà, côn trùng, hệ thống sưởi, máy phát điện, nấu ăn trong nhà, quá trình xây dựng, cải tạo, đồ nội thất làm phát sinh các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC)…

Những đối tượng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí trong phòng

Những người bị dị ứng và/hoặc hen suyễn có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do chất lượng không khí trong phòng, nhưng tất cả mọi người đều có thể là nạn nhân của các phơi nhiễm trên.

Cụ thể, triệu chứng bệnh của những người bị hen suyễn sẽ tăng lên khi ở tại khu vực có vấn đề về chất lượng không khí. Các trường học, văn phòng, cửa hàng và thậm chí là cơ sở y tế cũng có thể trở thành nguồn phơi nhiễm. Nếu điều kiện không khí của nơi làm việc khiến cho các triệu chứng hen suyễn trở nặng, chúng được gọi là hen suyễn kích phát do công việc (work-exacerbated asthma – WEA).

Các triệu chứng gây ra bởi ô nhiễm không khí trong phòng

Có rất nhiều triệu chứng liên quan đến phơi nhiễm các ô nhiễm trong phòng như:

+ Khó thở
+ Khò khè
+ Ho
+ Chảy nước mũi, nghẹt mũi
+ Mắt khô, ngứa
+ Phát ban da
+ Nhức đầu
+ Mệt mỏi

Các triệu chứng trên có thể xuất hiện rồi biến mất. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy có nhiều triệu chứng hơn trong hoặc ngay sau khi bạn ở tại một nơi nào đó, khả năng cao rằng nơi đó có vấn đề về chất lượng không khí trong phòng.

Làm thế nào để biết nơi nào có vấn đề về không khí trong phòng?

Bạn có thể nghi ngờ rằng có vấn đề về chất lượng không khí nếu bạn mắc các triệu chứng nêu trên khi bạn ở tại một nơi cụ thể, nhưng các triệu chứng đó lại biến mất khi bạn ra khỏi nơi hiện tại. Cụ thể, nếu bạn khó thở khi ở trường nhưng lại bình thường khi về nhà, vậy có thể chất lượng không khí tại trường của bạn có vấn đề.

Lời khuyên ở đây là hãy ghi lại thời điểm hoặc địa điểm cụ thể khi các triệu chứng xuất hiện, hoặc bất kỳ hoạt động, sự kiện, đồ vật nào có khả năng kích hoạt các triệu chứng của bạn. Lý tưởng nhất là nên có một cuốn sổ theo dõi thời gian, địa điểm và độ dài của các triệu chứng. Sau đó, hãy thảo luận về các triệu chứng với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để xác định xem có một kiểu hình liên quan đến các vấn đề về chất lượng không khí trong phòng hay không.

Phòng ngừa các vấn đề không khí trong phòng

Hầu hết các vấn đề chất lượng không khí trong phòng tại nhà có thể phòng ngừa hoặc kiểm soát được. Cách giải quyết triệt để là tìm ra và loại bỏ (nếu có thể) nguồn phơi nhiễm. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng tòa nhà có hệ thống thông khí tốt (bao gồm cả trao đổi không khí và bảo trì thiết bị sưởi/ làm mát).

Để làm được điều này, ta phải xác định được vị trí và thời điểm các triệu chứng xuất hiện. Khả năng cao các triệu chứng sẽ trở nặng hơn khi bạn làm một vài hoạt động cụ thể như dọn vệ sinh hoặc tham gia trò chơi có sử dụng hóa chất. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận thấy các triệu chứng trở nặng tại một phòng cụ thể trong nhà.

Nếu nghi ngờ có vấn đề chất lượng không khí trong phòng, bạn nên đặt câu hỏi ngay về:

+ Có ai hút thuốc bên trong nhà không?
+ Các chất làm vệ sinh hoặc thuốc diệt trừ côn trùng nào được sử dụng và mức độ thường xuyên ra sao?
+ Có rò rĩ nước như vỡ ống nước hoặc dột mái nhà không? Bạn có thấy các chỗ bị rò rỉ nước, ẩm ướt hoặc nấm mốc không?
+ Các thiết bị đốt nhiên liệu như máy sưởi hoặc bếp có bị thông khí kém không?
+ Có phải nhà bạn mới xây không?
+ Có phải do sơn, dán tường, thảm không?
+ Có các nguồn phơi nhiễm ngoài trời như khói xe không?
+ Hệ thống thông khí có đủ tốt không? Hãy nhớ rằng đóng kín nhà để tiết kiệm năng lượng có thể làm giảm không khí trong lành vào nhà.
+ Có mùi bất thường nào không? Hãy nhớ rằng bạn không thể ngửi thấy tất cả các chất ô nhiễm không khí.

Điều quan trọng là phải giải quyết ngay các vấn đề trên. Ví dụ, các ống rò rỉ nên được sửa chữa, tường hoặc thảm ẩm ướt nên được thay thế. Hãy đảm bảo môi trường sống của mình trong sạch nhất có thể vì sức khỏe bản thân cũng như người thân của mình.

*Bài viết có sử dụng thông tin từ Hội Hô hấp thành phố Hồ Chí Minh.