Tác động của ô nhiễm không khí tới đời sống
Hàng năm có 3,2 ca tử vong do khói bụi sinh hoạt và đốt nhiên liệu, 4,2 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí ngoài trời. Theo WHO, cứ 10 người thì 9 người sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép.
Tổng quan về ô nhiễm không khí
Khái niệm ô nhiễm không khí là sự ô nhiễm môi trường trong nhà hoặc ngoài trời bởi bất kỳ tác nhân hóa học, vật lý hoặc sinh học nào làm thay đổi các đặc tính tự nhiên của bầu khí quyển.
Trong đời sống hàng ngày, các thiết bị đốt trong gia đình, xe có động cơ, hoạt động công nghiệp và cháy rừng là những nguồn gây ô nhiễm không khí phổ biến. Các chất gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng bao gồm vật chất dạng hạt, carbon monoxide, ozone, nitrogen dioxide và sulfur dioxide.
Ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà là tác nhân chính gây ra các bệnh về đường hô hấp, các loại bệnh khác và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trên thế giới. Dữ liệu của WHO cho thấy gần như toàn bộ dân số Trái Đất (99%) hít thở không khí vượt quá ngưỡng cho phép và có chứa hàm lượng cao các chất gây ô nhiễm, trong đó các quốc gia đang phát triển hoặc chậm phát triển phải chịu mức phơi nhiễm cao nhất.
Về cơ bản, chất lượng không khí gắn liền với khí hậu trái đất và các hệ sinh thái trên toàn cầu. Việc sử dụng các nguyên nhiên liệu thô là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí và cũng là nguồn phát thải khí nhà kính. Do đó, các chính sách giảm ô nhiễm không khí phải đưa ra được chiến lược trung hòa giữa việc giữ gìn không khí xung quanh cũng như sức khỏe con người, vừa giảm gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí, vừa phải góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong trung và dài hạn.
Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí
Từ khói mù bao phủ khắp các thành phố cho đến khói bụi trong nhà, mặt nào của ô nhiễm không khí cũng là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người và khí hậu Trái Đất.
Ô nhiễm không khí ngoài trời ở thành phố và nông thôn làm phát tán các chất dạng hạt mịn, là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, các bệnh hô hấp cấp tính và mãn tính.
Bên cạnh đó, có khoảng 2,4 tỷ người đang phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí gia đình ở mức nguy hiểm vì sử dụng nguồn nhiệt lộ thiên hoặc các loại bếp lạc hậu để nấu ăn. Đặc điểm chung của các loại bếp hoặc nguồn nhiệt này là đều sử dụng dầu hỏa, sinh khối (gỗ, phân gia súc và chất thải cây trồng) và than đá.
Mặt khác, các nguồn gây ô nhiễm không khí ngoài trời rất đa dạng và có bối cảnh cụ thể. Chúng có thể là năng lượng dùng để nấu ăn và sưởi ấm, hoạt động đi lại, sản xuất điện, đốt chất thải nông nghiệp và công nghiệp. Vì vậy, cần phát triển các chính sách và việc đầu tư hỗ trợ sử dụng đất bền vững, cải thiện năng lượng hộ gia đình, sử dụng các phương tiện giao thông sạch hơn, nhà ở tiết kiệm năng lượng, quản lý hoạt động công nghiệp và chất thải đô thị tốt hơn để làm giảm hiệu ứng ô nhiễm không khí.
Theo thống kê tổng hợp, ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí hộ gia đình có liên quan đến 7 triệu ca tử vong sớm hàng năm trên toàn thế giới.
Kết luận
Ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng và không một ai nằm ngoài tầm ảnh hưởng của nó. Chính vì thế, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, mọi người cần nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm không khí, cũng như tìm hiểu và nghiên cứu các giải pháp sẵn có tại nhà/nơi làm việc/học tập để giảm thiểu rủi ro do tiếp xúc với ô nhiễm không khí.
*Nguồn: WHO