Tại sao phải tầm soát COPD và hen phế quản càng sớm càng tốt?
Do lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc lá, thuốc lào và tiếp xúc với nhiều tác nhân ô nhiễm, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản tại nước ta ngày càng tăng.
Việc tầm soát COPD và hen phế quản sẽ giúp người thực hiện có khả năng phòng tránh và phát hiện sớm bệnh để có phương hướng khắc phục phù hợp.
Một số đặc điểm của COPD và hen phế quản
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản có số người mắc bệnh trên toàn cầu khá cao. Mặc dù có những biểu hiện khá tương đồng nhưng bệnh COPD không phải là hen phế quản và ngược lại.
Về nguyên nhân: Hen phế quản phần nhiều là do dị ứng, như dị ứng với phấn hoa, bụi, hay thực phẩm; một số nguyên nhân khác có thể kể đến là bị kích thích bởi khói thuốc lá, khói củi, rơm rạ, lò sưởi, một số loại thuốc hay do thời tiết thay đổi; thậm chí là do căng thẳng hoặc tập luyện sai cách.
Nguyên nhân của COPD chủ yếu do hút thuốc lá, tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm không khí, hóa chất trong một thời gian dài và nguyên nhân di truyền.
Về biểu hiện: Biểu hiện của hen phế quản chủ yếu là ho, đặc biệt là vào ban đêm; thở khò khè; khó thở; đau ngực.
Biểu hiện của COPD là ho mạn tính kéo dài, ho ra nhiều chất nhầy, khó thở, đặc biệt khi vận động cơ thể, thở khò khè, đau thắt ngực.
Để đều trị COPD và hen phế quản, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc giãn phế quản và thay đổi lối sống. Tuy nhiên cho đến hiện nay, cả hai bệnh này vẫn chưa có phương pháp để chữa khỏi hoàn toàn. Những cách điều trị trên chỉ có thể khắc phục một phần các hệ quả do COPD và hen phế quản gây ra. Do đó, việc tầm soát COPD và hen phế quản được nhiều quốc gia, bao gồm cả những quốc gia phát triển khuyến khích thực hiện để giảm gánh nặng kinh tế gây ra bởi COPD và hen phế quản.
Tại sao phải tầm soát COPD và hen phế quản
Hạn chế nguy cơ tử vong do COPD và hen phế quản
Hầu hết mọi người đều khá chủ quan khi bản thân mắc các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, thực tế các bệnh về đường hô hấp có diễn biến khá phức tạp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có hơn 300 triệu người mắc COPD và hen phế quản. Bên cạnh đó, có hơn 3 triệu người chết mỗi năm do hai bệnh trên. Đặc biệt, cũng theo WHO, COPD chính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 trên thế giới sau bệnh động mạch vành, đột quỵ và nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Giảm thiểu thời gian và chi phí khi điều trị bệnh
Tại nước ta, tỷ lệ mắc bệnh COPD và hen phế quản ngày càng tăng. Ước tính hiện nay có hơn 4,2% dân số bị mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện.
Với các biến chứng nguy hiểm do bệnh COPD và hen phế quản gây ra, Chương trình mục tiêu Quốc gia về Phòng và chống bệnh COPD và hen phế quản đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt vào năm 2010. Do đó, mọi người đều nên chủ động thực hiện tầm soát COPD và hen phế quản để có thể tiết kiệm chi phí và thời gian về lâu dài.
Phòng tránh hoặc hạn chế tối đa những khó chịu mà các bệnh gây ra
Dù ở mức độ nhẹ nhưng COPD và hen phế quản vẫn gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày cho người bệnh. Do thường xuyên khó thở nên người bệnh bị hạn chế khi vận động, từ đó dẫn đến suy nhược cơ thể và phải thường xuyên phụ thuộc vào thuốc cùng nhiều hệ quả tiêu cực khác.
Thay đổi lối sống lành mạnh và tích cực hơn
Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh COPD và hen phế quản, bất kể giới tính, quốc gia, môi trường làm việc,… Trên thực tế, các tác nhân gây ra hai bệnh trên có thể tiềm ẩn xung quanh ta. Thông qua kết quả tầm soát COPD và hen phế quản, người thực hiện sẽ biết mình có nằm trong nhóm có nguy cơ hay không. Ngoài ra, cần nghe tư vấn của bác sĩ và chuyên gia về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thể thao,… để giảm tối đa khả năng mắc bệnh.
Những nội dung cần thực hiện khi tầm soát hen và COPD
Khám lâm sàng: Khám lâm sàng là bước đầu tiên và cần thiết khi tầm soát COPD và hen phế quản. Khi tầm soát hai bệnh lý về phổi này, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm thuộc chuyên khoa hô hấp. Thông qua kết quả, bác sĩ sẽ có cái nhìn tổng quát về tình trạng hệ hô hấp của người khám, từ đó thực hiện các xét nghiệm tiếp theo chính xác hơn.
Ở bước này, nếu có bất kỳ biểu hiện nào nghi vấn trong những ngày gần đây, người thực hiện nên chủ động trao đổi với bác sĩ. Các dấu hiệu này có tác động rất lớn trong việc nhanh chóng tìm ra tác nhân gây bệnh (nếu có) ở người thực hiện.
Chụp X- quang phổi: Xét nghiệm này giúp loại trừ các nguyên nhân khác có biểu hiện giống COPD và hen phế quản như suy tim, ung thư phổi, bệnh lao,…
Khi chụp Xquang phổi, người thực hiện cần lưu ý không mặc quần áo có nút kim loại, hoặc đeo trang sức kim loại để tránh nhầm lẫn và chèn hình.
Đo chức năng hô hấp: Đo chức năng hô hấp có chức năng xác định đường thở có đang bị tắc nghẽn hay không? Xét nghiệm này cho biết phổi của người thực hiện tầm soát đang hoạt động như thế nào. Xét nghiệm này thường mất khoảng 10 phút. Các bước thực hiện như sau:
– Đầu tiên người thực hiện phải hít thật sâu và gắng sức thổi thật mạnh vào ống thổi của máy đo chức năng hô hấp. Ở bước này người thực hiện không cần dùng thuốc.
– Kế tiếp, người thực hiện sẽ lặp lại xét nghiệm sau khi thử thuốc. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem khả năng hô hấp của người thực hiện có cải thiện được hay không sau khi đã thử thuốc.
Kết quả: Nếu khả năng hô hấp của người thực hiện có cải thiện sau khi đã thử thuốc, người thực hiện có thể đã bị COPD hoặc Hen phế quản.
Lưu ý:
• Ngưng hút thuốc lá trong vòng 1 giờ trước khi đo chức năng hô hấp.
• Mặc áo quần rộng rãi, thoải mái để đảm bảo hít thở dễ dàng.
Xét nghiệm công thức máu: Khi xét nghiệm công thức máu, bác sĩ sẽ lấy một vài millilit máu trực tiếp từ tĩnh mạch của người thực hiện (thường là gần khuỷu tay) thông qua kim tiêm. Mẫu máu lấy được sẽ được đưa đi kiểm tra nồng độ Globulin miễn dịch của người thực hiện. Nếu kết quả cho thấy nồng độ Globulin tăng, nguy cơ người thực hiện đang COPD hoặc hen phế quản là rất cao.
*Nguồn bài viết: Bộ Y Tế